Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Y2K/2000-AVATAR/2012

Năm 2011 râm ran chuyện các nhà khảo cổ giải mã lịch của người MAYA nói rằng 2012 sẽ tận thế,có cả ngày tháng cụ thể ! Thêm phim AVATAR làm cho nhân tâm rối lọan đến mức các nhà khoa học phải lên tiếng trấn an.Chuyện tận thế nói hòai không thấy nên nhàm chán(thấy thì không còn Mul để mọi người "tám" rồi).Nhớ lại năm 2000 nỗi lo Y2K có cơ sở khoa học nên tảc động nhiều hơn.Không nói ra nhưng nhiều người ở SG sợ tận thế,dự trữ sửa,mì gói,dầu hôi,đèn cầy v.v.Có cả việc 1 nhóm người nửa đêm lên nghĩa trang thành phố cầu nguyện.Lúc đó Cơ Duyên khiến tôi gặp 1 bậc Đạo Sư.Người nói"tôi có 2 bài cơ bút.Ông là nhạc sĩ,viết lên bài ca cho nhân tâm bình hòa được không?" Trộm nghĩ có chút tài mọn,sao không giúp đời,tôi cố gắng phổ nhạc 2 bài;cũng là tạ ơn sâu Đạo Sư đã chỉ dạy nhiều điều.Nhân năm mới cảm ơn các vị đã gởi thiệp xuân(Q.,GM,GHM).Chúc các vị đọc entry này,nghe nhạc cơ bút,được"tân xuân vạn điều như ý".

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

HÒAI NIỆM GIÁNG SINH

Ngày mai GIÁng SINH.Trong tiết trời se lạnh,không khí rộn ràng chuẩn bị NOEL của người tin CHÚA và cả không tin CHÚA,bao nhiêu hòai niệm chóang ngợp lòng tôi.Nên bắt đầu từ đâu nhỉ?Từ Noel 1966 khi giữa dòng người đông đúc tôi gặp người phụ nữ,thân thể loang lở vết cháy bom napal,ôm con ngồi xin ăn trên đường Lê Lợi.Hay kể về 1 đêm Giáng sinh 12 năm trước,tôi và 1 linh mục thân thiết,sau tiệc nữa đêm,đàm đạo đến gần sáng về Thánh nhạc cổ xưa từ thế kỷ 10? Giữa 2 thời điểm này là khỏang thời gian dài với biết bao điều để nhớ.

1)1972

      Sau 7 tháng qua nhiều trại giam,tôi đón Noel trong xà lim tổng nha cảnh sát SG.Bị biệt giam suốt tôi gần như không biết gì về tình hình bên ngòai.Đêm giáng sinh,khôngbiết vô tình hay cố ý,người gác ngục ngồi đọc báo gần cửa xà lim số 1,nơi tôi đang bị giam.Lén nhìn qua ô cửa khỏang 1 tấc vuông tôi giật nảy người khi thấy dòng tít lớn"khôngquân Hoa Kỳ tiếp tục ném bom Hà Nội".Dòng tít khác"...3 B52 bị bắn rơi".Với sức tàn phá của B52,các khu dân cư của Thủ Đô sẽ thành bình địa.Bao nhiêu người sẽ chết?Khỏang trống trứớc số 3 là do kiểm duyệt đục bỏ.Tôi đóan như vậy ít nhất phải có 13 B52 bị bắn rơi?Đau xót,phẩn nộ vì sự dã man của đế quốc Mỹ xen lẫn vui mùng vì máy bay càng rơi nhiều,sự tàn khốc sẽ giảm đi,đồng bào ta sẽ bớt thiệt hại.Những ngày sau tôi tiếp tục được "cung cấp thông tin"bằng cách đọc báo lén!Đau lắm khi cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt còn mình bất lực trong cảnh giam cầm.Lòng tôi ngày càng nặng nề và bài thơ "Đêm Giáng sinh trong tù"ra đời.

              Mừng Chúa không thánh lễ

              không rượu,chuông nhà thờ

              Song sắt buồn mắt đỏ

              Vàng soi đèn thẩn thờ

              Đêm nay ai cầu nguyện

              Ai chết gục vô tình

              Trái tim nằm kể chuyện

               Bao nhiêu là ưu phiền

               ..................................

               Từ chối cửa thiên đàng

                Xin làm người Độc Lập

                Đêm đông thấy mặt trời

     Tiếc là không còn nhớ trọn vẹn bài thơ.Hy vọng sẽ tìm lại được vì đã đăng trên 1 tạp chí SV tranh đấu trước 75 và báo Văn nghệ giải phóng sau 75.

   2)Hòai niệm đưa tôi đến những người bạn sinh viên công giáo tham gia phong trào tranh đấu tại Sài Gòn.Anh Nguyễn Xuân Hàm,thành viên của phong trào Thanh Lao Công,người ngưỡng mộ Che Guevara.Khi gặp lại anh trong căn cứ Thành Đòan 1974 trông anh đúng là hình ảnh của Che.Người vạm vỡ,nón tai bèo,súng M16 của Mỹ,mùa mưa khóac 1 tấm nylon xanh,phong cách rất khó tả nhưng thật thú vị.SV tranh đấu thời đó đều như vậy.Tôi thích dùng từ phong cách"Tráng Sĩ" khi nói về điều đó.Hàm là người tổ chức recital guitare duy nhất trong đời tôi biểu diễn chỉ cho 1 người thưởng thức:Mai,vợ Hàm!Tôi sẽ kể chuyện này 1 dịp khác.Một lần Hàm đi công tác ghé vào đơn vị.Trời mưa,chúng tôi uống trà Hà thủ ô,chuyện trò rôm rả,tôi hỏi Hàm

-Tò mò chút thôi,ông là linh mục tu xuất,sao lại theo giải phóng?

-Đơn giản thôi,Cách Mạng như chiếc xe tăng dũng mảnh lao về phía trước,cản đường sẽ bị nghiền nát,đứng qua 1 bên cũng không được,leo lên đi cùng là hay nhất vì xe tăng đó đưa mình tới bến Độc Lập Tự Do.

  Tôi chỉ nhớ ý anh trả lời như vậy,bất ngờ và giản dị.Anh Thông(3 Hiền)lại là 1 trường hợp đặc biệt.Là người công giáo,sĩ quan quân đội VNCH,anh quyết định về với Cách Mạng.Xin nghỉ phép về lấy vợ,ngay sau đám cuới,cánh mặt trận thanh niên Thành Đòan đưa anh về căn cứ Long Khánh.Anh nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở chiến khu.Việc đầu tiên là cất 1 căn nhà riêng để anh rước vợ vào thăm.Anh và chúng tôi đi cắt tranh,đốn gỗ làm nhà.Căn nhà bên suối đã vun quén hạnh phúc của đôi vợ chồng phải chia tay ngay sau khi nói với nhau lời gắn bó suốt đời.Một buỗi sáng chúng tôi cùng uống trà.Anh nói với vợ

-Mình hay hát người hẹn cùng ta đến bên bờ suối.Bây giờ ở bên bờ suối rồi.Nhưng em ơi để có được căn nhà bên suối này anh đã đi cắt tranh,đứt tay,té suối,chân bầm dập.Các anh cùng giúp vào.Không có hạnh phúc nào tự nhiên có đâu em.

  Chúng tôi cảm động vì lời nói chân thành của anh.Sau này 2 anh chị trở ra SG họat động trong đồng bào công giáo và tiếp tục công tác sau 30.4.75 cho đến khi nghỉ hưu.Có thể kể nhiều nữa về các bạn công giáo:Nguyễ văn Ngọc,Thân,Sâm,Nhật,Quân,Hà,Nguyễn xuân Phổ(đã mất,đời anh là 1 câu chuyện buồn),Bác sĩ Phạm Quốc Vỹ,Đòan Khắc Xuyên,Trần Hửu Quang,Ngõan,Hậu(đã mất vì tai nạn giao thông)v.v.Trong thời khắc "Vinh danh Thiên Chúa trên trời.Bình an dưới thế cho người thiện tâm"này,tôi nghỉ:Hướng đến Dộc Lập dân tộc,Hạnh Phúc nhân dân,Phồn vinh đất nước,sẽ không có khỏang cách nào giữa người có tín ngưỡng và Không tín ngưỡng.

3)Khỏang tháng 11.74 Sen Trắng vào căn cứ làm việc với tôi.Lúc bấy giờ vắng mặt lâu không có lợi.Giao liên đưa ST đến căn cứ khỏang trưa là làm việc suốt.Tối nghỉ được vài giờ.Sáng hôm sau giao liên đưa ra.ST báo tin Hướng Dương sắp kết hôn với...Tôi ngạc nhiên vì lần vào trước không nghe HD nói gì.Tuy nhiên tôi yên tâm về đôi bạn và băn khoăn không biết mừng đám cưới như thế nào.Thôi thì tặng thơ! Sau này HD tâm sự tụi em chọn Noel làm đám cưới vì muốn có cờ tổ quốc.Mượn ngôi sao vàng Noel để không bị theo dõi.Bài thơ viết rất,rất vội được ST đọc trong đám cưới với lời giới thiệu là quà của 1 người bạn ở xa?Tôi còn nhớ võn vẹn 3 câu!

         Khi lòai người yêu nhau

         .....................................

                .......................................

         Nhìn nhau nhìn một hướng

         Yêu nhau trong cuộc đời

         .......................................

   Như vậy đó,một thời tuổi trẻ chúng ta sống đẹp.Đường đời không tránh được chông gai.Dù sao qúa khứ đã là phần máu thịt của mình."Hòai niệm Giáng Sinh" hy vọng góp 1 lẵng hoa cho tiệc nửa đêm của góc nhỏ VK,có thể lạc điệu,có thể riêng tư nhưng ít nhất hoa vẫn là hoa của riêng tôi !!!

  Mời các bạn nghe lại ca khúc Amazing grace.Lời Việt: NTK.Ca sĩ: Hương Giang và nhóm AC&M

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

NỖI ĐAU SAU CHIẾN TRANH VẪN DAI DẲNG

Ngày 10.11 âm lịch giỗ Nguyễn Tri Chính.Biết năm nay chỉ cúng trong gia đình,chiều nay tôi đến thắp nhang.Mai,vợ Chính,đi đám cưới.Tôi nói chuyện với mẹ Chính hơn 1 giờ và hiểu thêm nhiều điều về bạn.Trở lại chuyện củ 1 chút.Giữa năm 1973,sau gần 1 năm biệt giam tại xà lim Tổng nha cảnh sát,chính quyền SG chuyển tôi qua Chí Hòa,ở chung phòng giam svhs.Tôi gặp nhà thơ Triệu Từ Truyền(Triệu Công Tinh Trung) 1 đồng chí lãnh đạo của cánh học sinh.Nhà thơ hỏi tôi có biết N.T.Chính không?Tất nhiên là tôi biết.Sau ít lâu T.T.Truyền thì thầm với tôi về Chính.Làm việc này nhà thơ đã phá bỏ nguyên tắc tổ chức.Có lẽ anh ấy lo lắng cho đồng đội của mình.Thì ra Chính đã tham gia CM khi còn là học sinh và đã được kết nạp Đòan.Tạp chí Tuổi Hoa mà anh cộng tác với bút danh Trinh Chí nổi tiểng đã có sự dẫn dắt của tổ chức.Anh Truyền bị bắt,Chính đứt liên lạc.Do đó khi vào học VK,Chính hòa nhập ngay với phong trào,họat động báo chí.Anh Truyền đặt thẳng vấn đề với tôi:"nếu anh có cách liên lạc với Chính,cứ mạnh dạn giao việc.Tôi đảm bảo với anh về Chính".Lúc bấy giờ do chiêu hồi khai báo,chi bộ VK tan nát,cơ sở bị bắt,lộ bể gần hết,chỉ còn sót lại Cỏ May và Hoa Hạ(Hồng Diệp).Biết được 1 đồng chí đang chờ chắp nối,vượt nguyên tắc cũng phải làm thôi.Khi HD vào thăm nuôi,không thể cho biết hết mọi việc,tôi chỉ nói HD tìm cách liên lạc với Chính,cứ bàn công việc không có gí e ngại.Sau 30.4.75 tôi đã làm tròn trách nhiệm khi xác nhận việc Chính đã tham gia họat động tại VK để bổ sung lý lịch kết nạp Đảng.Hôm nay nghe mẹ kể chuyện tôi hiểu con đường Chính đã chọn là tất yếu.Mẹ kể về 9 năm họat đông phụ nữ xã ở quê hương Phú Yên.Đêm khuya đi vận động quần chúng có người hỏi chị sợ không.Mẹ trả lời mắc gì mà sợ."Nói vậy chớ làm sao bác không sợ hả cháu,bác nói vậy cho chị em vững lòng".Mẹ kể về giai đọan ba Chính bị giam cầm.Mẹ tìm cách bán quán nước gần nhà giam để thăm nuôi chồng và anh em tù nhân đồng thời làm liên lạc cho tù nhân với tổ chức bên ngòai.Mẹ kể sau 1954,Chính mới 3 tuổi,mẹ và chồng chuyển vùng về SG công tác.Mẹ kể năm 1977 ba Chính mất vì bịnh hậu do tra tấn của kẻ thù lúc bị giam cầm.Mẹ đem bánh ít lá gai ra cho tôi ăn.Mẹ nói bánh ngòai quê gởi vô cúng thằng Chính đó cháu.Mẹ hỏi tôi bánh ngon không.Tôi trả lời ngon lắm bác.Bánh quê mới có lá gai thật.Mẹ bảo cháu ăn nữa đi.Rồi mẹ ngần ngại,có chuyện này không biết cháu có giúp được gì không?Mẹ đem ra 2 bộ hồ sơ của mẹ và chồng đề nghị hưởng chính sách theo nghị định 290.

-Bác nộp hồ sơ từ năm 2007 tới giờ chưa giải quyết.Hồ sơ của bác duyệt rồi trên giấy tờ còn của ổng họ nói thiếu cái gì đó.

-Sao bác không hỏi để bổ túc hồ sơ?

-Tháng trước bác lên hỏi,họ nói người có trách nhiệm giải quyết đi công tác rồi.1 tháng nữa bác quay lại.Cậu trẻ trẻ tiếp bác nói bác chờ mấy năm rồi,ráng chờ thêm 1 tháng nữa !

   Ôi câu nói có lẽ định an ủi nhưng nghe ra vô cảm,bạc bẽo qúa chừng.Tôi đọc hồ sơ,thương mẹ quá.Mẹ cho biết đã đi Hà Nội 3 lần để tìm người xác nhận,không kể việc tìm người ở SG,Phú Yên.Cũng may mẹ đã làm giấy tờ xác nhân này từ trước,khi làm hồ sơ huân chương kháng chiến.Bây giờ mới làm chắc không còn ai để xác nhận.Mẹ cười buồn

-Bác 90 tuổi rồi,không biết lúc được hường chính sách có còn sống không?Tiền bạc không đáng cháu à,không đủ để bác đi cyclo tìm người xác nhận.Nhưng cây có cội nước có nguồn.Bác muốn có chính sách để cháu chắt nó biết ông bà đã làm gì.

Tôi không dám hứa sẽ giúp gì cho mẹ,chỉ khuyên mẹ gặp lại như họ đã hẹn coi giải quyết như thế nào rồi tính.Tôi xin phép mẹ thắp nhang,nhìn di ảnh Chính mà thương mẹ tre già khóc măng.Lúc về mẹ ôm tôi vào lòng nói.

-Bác thấy cháu như thấy lại thằng Chính

Mẹ đưa tôi gói bánh ít bảo tôi đem về cho vợ.Câu nói của mẹ cứ ám ảnh tôi mãi.Cây có cội nước có nguồn..Bao nhiêu người đã hy sinh vì đất nước.Chính sách chỉ là sự ghi nhận sự hy sinh cao cả ấy.Không ai hy sinh vì chính sách mai sau.Chiến tranh,dù chính nghĩa,luôn đi kèm nỗi đau mất mát.Sao nỗi đau ấy vẫn còn dai dẳng đến ngày hôm nay? Mẹ ơi,chắc là con sẽ ăn bánh mẹ cho,có vị mặn của nước mắt.Con sẽ thăm mẹ nhiều hơn để mẹ thấy lại con của mẹ.

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

ATƠI

Entry này ra đời nhờ Comments của chư vị về truyện Hoa violet ngày thứ tư của André Maurois.Chân thành cảm ơn.

    Đầu năm học 66-67 nhóm Nhân Văn,được sự giúp đở của giáo sư Nghiêm Thẩm,tổ chức chuyến du khảo tìm hiểu về dân tộc thiểu số tỉnh Phú Bổn(hình như PB bây giờ là 1 huyện của Gia Lai?).Đòan đi khỏang mười mấy người.Hòang Trung học khoa Anh văn,chọn chứng chỉ nhiệm ý văn minh VN nên cũng tham gia trong đòan.Cô nữ sv quê Nha Trang này có giọng nói ngồ ngộ,nhỏ nhắn,nhanh nhẹn,tóc ngắn,1 chút"quậy".HT và tôi nhanh chóng kết thân.Chuyến đi học nhiều điều lạ,nhiều chuyện vui,nhiều kỷ niệm.Thú vị nhất là khi biết trong ngôn ngữ Rhadé(?) anh là adong,em là atơi,HT và tôi cứ xưng hô với nhau như vậy. Hết atơi ơi lại adong nè.Cả đòan kể cả gs Nghiêm Thẩm ai cũng cười khi nghe chúng tôi"líu lo".Có đêm trăng cao nguyên,rất khuya,chỉ có 2 người,tôi đàn và em lặng lẽ nghe.Sau chuyến đi tất nhiên có nhiều quyến luyến.Một buỗi chiều,sân trường văn khoa,sau giờ học tôi và em đứng bên xe Honda trò chuyện.Bất chợt em ríu rít.

-Adong,adong nhìn kìa,đẹp qúa

Tôi nhìn phía sau mình.Đẹp thật,nắng chiều vàng óng ánh trên cỏ dại xanh non,ngấn nước sau cơn mưa nhỏ.Khi quay lại em,cảnh đẹp sau lưng phản chiếu trong kính hậu xe.

-Atơi nhìn cảnh trong kính xem.

-Đẹp qúa adong ơi,sắc màu lung linh đẹp hơn.  

-Atơi biết không,khoa học vật lý gọi ảnh phản chiếu là ảnh ảo.Ảo bao giờ cũng đẹp hơn thật,đúng không?

Không hiểu sao tôi lại nói vậy?Em im lặng,không nói gì.Hai chúng tôi lặng lẽ ra về.Tôi mất em từ đó.Hình như em cố tình lánh mặt vì tôi không bao giờ lại thấy em trong giảng đuờng.Sau đó ít lâu tôi viết bài hát ATƠI,viết mới nhẹ lòng được.Ca từ như thế này.

   Sao không lại gần anh đi em

   Một đêm trăng sáng núi rừng cao nguyên mơ màng

   Sao không lại gần anh đi em

   Hương đêm về ươm thắm tóc ai

   Sao không lại gần anh đi em

   Cho anh nâng đôi tay dịu dàng

   Và bâng khuâng lời tim chẳng mới

   Giọt nước mắt nào của tình muộn màng

   Sao không lại gần anh đi em

   lặng nghe dạ khúc Schubert êm đềm

   Trong âm nhạc thần tiên xa xưa

    Bao thanh kiều mộng mơ tuổi xuân

    Sao không lại gần anh đi em

     Dây guitar tung tăng hiền hòa

    Và phân vân lời tim chẳng nói

    Giọt nước mắt nào của tình già nua

    ...................................................

    ....................................................

    Thôi em vào ngủ ngoan đi em,thôi em vào 

     ngủ ngoan đi em.Tôi ôm đàn 1 kiếp trăm

     năm.

 

Ơi tuổi trẻ của tôi,sinh ra trong chiến tranh,tuổi

đôi mươi mà đã sớm già;có 1 tình yêu lãng mạn nhưng lại chối từ;tìm ra 1 lẽ sống,chiến đấu hy sinh mà sao vẫn....???? Sau gần nửa thế kỷ,câu nói trong 1 sát na ngẫu hứng-bốc đồng-ngạo ngược-ngang tàng,ngẩm lại có nhiều phần chân lý.Có lẽ vì vậy mà con người luôn mơ mộng lãng mạn và có cả những giấc mơ để tìm và sống với những"Ảnh ảo đẹp hơn thực tại" !!??.Chốn nào xa xăm atơi có nghĩ như adong không???

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

TẶNG HỌP MẶT DÃ QÙY HOA(2)

Không nghĩ là các bạn có giờ rảnh để nghe nhạc. Nhưng biết đâu tối mai chuẩn bị chia tay nhiều bạn lại khó ngủ.Có nhạc"nội" nghe văng vẳng có thể dễ ngủ hơn.Hi hi

1) Tình quê   Tô Thanh Phương hát    (cứ coi như Đà Lạt có dòng sông quê đi ! )

2)Mùa hạ cuối  (không nhớ tên ca sĩ dù có ghi ở đâu đó ! )

3) Gởi em và ngôi trường củ   Thơ: Cao Vũ Huy Miên ca sĩ: Y như trên vậy !

   Tôi không biết chỉnh cân bằng âm lượng trên blog,khi nghe tùy bài mà chỉnh lớn nhỏ !!! Khổ,chán quá,nghe nhạc mà phải chỉnh từng bài,mất hứng. Tôi nói giùm các bạn rồi đó,đừng cằn nhằn !!! Hi hi

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

TẶNG HỌP MẶT DÃ QÙY HOA

Tôi chỉ biết add nhạc trong blog nên thay vì ghi note lại ghi vào đây.

Các bạn đã chuẩn bị,trông chờ ngày hội này lâu qúa.Tôi chỉ biết chúc các bạn"đắc kỳ sở nguyện". Gởi tặng các bạn ca khúc"Les feuilles mortes"(Tình khúc mùa thu) nhạc:Joseph kosma,Lời:Jacques Prevert,Lời Việt:NTK. Ca sĩ:Xuân Phú.Đã có nhiều lời Việt cho bài hát này nhưng tôi rất thích lời của mình vì bám sát lời gốc !!! Sắc vàng Dã Qùy Hoa sẽ rất vui vì tình bạn.Sắc vàng của tình khúc này nếu làm tim các bạn....thì cũng chỉ là thêm chút sắc màu cuộc sống.  

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

CÔ GIÁO MIỀN ĐẤT MỚI

Năm 1981 tôi dự hội nghị điển hình tiên tiến thanh phố.Báo cáo của cô giáo MINH THI về ngôi trường của cô ở vùng kinh tế mới và những gian nan của việc dạy và học làm mọi người xúc động.Cảm xúc thôi thúc tôi viết ca khúc"cô giáo miền đất mới".Và thật lòng tôi thầm cám ơn cô đã giúp tôi viết nhạc trở lại sau 6 năm bỏ quên.Mời các bạn nghe bài hát đã 30 tuổi!Những ngày lũ lụt này tôi tin còn nhiều,rất nhiều thầy cô vẫn đang"hiến dâng trọn cuộc đời vì đàn em thân yêu".Bài hát là sự bày tỏ tình cảm thương yêu,sự kính trọng quý mến của tôi với các thầy cô đó.  

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

CHỈ GẶP 1 LẦN TÔI VẪN NHỚ

Tết âm lịch cuối 66 qua 67 chứng chỉ Văn Minh VN tổ chức liên hoan văn nghệ mừng xuân.Văn khoa lúc bấy giờ vẫn ở chính tại số 8 Nguyễn Trung Trực,4 Cường Để(nay là ĐTH)  là cơ sở 2.Chứng chỉ VMVN là chứng chỉ nhiệm ý được sv các khoa khác theo học rất đông. Liên hoan được tổ chức tại phòng học lớn nhất nhưng nhỏ hơn rất nhiều so với giảng đường sau này.Ban nhạc gồm NTK guitare thùng,Nguyễn Thanh Tuyền mandoline.Hết!!!

Anh Trầm Khiêm chủ tịch nhóm Nhân Văn phát biểu khai mạc,chúc tết thầy và các bạn .GS Nghiêm Thẩm đáp từ.Sau đó bánh trái đem ra và văn nghệ bắt đầu. Người dự tự nguyện lên hát,không có chương trình sắp xếp trước. Các bài hát xuân vang lên,nhạc rộn ràng nhưng không khí Tết gượng gạo sao đâu. Sau khi Mỹ đổ quân vào miền nam,chiến sự ngày càng ác liệt.Đêm đêm người Sài Gòn nghe tiếng đại bác,tiếng bom B52 miệt Củ Chi vọng về. Năm 66 lại nổ ra phong trào THSV,nhân sĩ trí thức Huế chặn đèo Hải Vân,lập "chính quyền tự qủan".Sau đó phong trào bị đàn áp,tan tác.Tâm trạng người thành phố,hoang mang.Đặc biệt với sv ai cũng lo âu về tương lai đất nước.Chiến tranh gõ cửa từng nhà với việc đôn quân bắt lính,giấy báo tử và các vành khăn tang. Do vậy liên hoan có vui cũng là vui gượng.Trước đó anh Trầm Khiêm nói với tôi sẽ có nhóm văn nghệ...(tôi không nhớ tên)đến "giúph vui".Thời đó chưa dùng từ phục vụ?.Giữa buổi liên hoan không khí sôi động hẳn lên khi xuất hiện gần 20 em học sinh lớp đệ tam,đệ nhị,trang phục chỉnh tề,có nam,có nữ. Anh Trung Tín,trưởng nhóm,da ngăm đen,gương mặt già dặn hơn các em nhiều,chơi mandoline.Sau khi hội ý về chương trình,chúng tôi bắt đầu buổi diễn.Không có sân khấu,các em xếp hai hàng trên nền gạch.Có thêm 1 cây đàn tíếng nhạc xôm tụ hơn.Từ hình thức đơn ca chuyển qua tốp ca hùng hậu,không khí liên hoan thay đổi hẳn. Các em hát sử ca Bạch Đằng Giang,Hội nghị Diên Hồng,Lên Đàng...Có lẻ do các đôi mắt sáng,tự tin,giọng ca trong trẻo cương nghị;có thể trong tiềm thức người Việt lịch sử hào hùng của dân tộc luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc nên không khí vui hẳn lên,các bạn sv còn vỗ tay hát theo.Kết thúc liên hoan,nhũng cái bắt tay,những lời chúc tụng hình như lạc quan hơn.

  Tôi va Trung Tín ngồi lại với nhau.Tôi cám ơn bạn đã đem đến sức sống cho buổi liên hoan. Tri âm không cần đến ngôn từ.Tôi và Tín đều ngầm hiểu mình đang làm gì.Cái xiết tay thật  chặt khi từ gỉã như nói rằng chim trời cá nước dù xa nhau nhưng vẫn chung bứoc 1 con đường. Mấy năm sau tôi hay tin Tín hy sinh vì bom B52. Tín không học VK nhưng Chỉ gặp 1 lần tôi vẫn nhớ và với tôi Tín luôn là người bạn VK đã đi xa.

                                                                             Nguyễn Tuấn Kiệt

Đọc tiếp ...

NHỚ PHƯỢNG

Ngọc là tên thật của cô ấy.
Khi xuất hiện ở VK năm 1966 cô lấy tên Phượng. Hình như đó là tên người yêu.
Phượng ốm yếu mong manh,nước da xấu, hậu quả của bịnh sốt rét sau những chuyến giao liên về căn cứ? Chỉ có đôi mắt đẹp. Phượng kẹp tóc,đi xe đạp, thường mặc áo dài trắng hơi củ khi đến VK.

Niên khóa 66-67 rất đặc biệt với trường VK. Đó là thời điểm lực lượng tranh đấu đã mạnh nhưng chưa đủ mạnh để nắm Ban chấp hành. Trụ sở nhóm Nhân Văn lúc đó là nơi lui tới thường xuyên của các nhóm nòng cốt. Phượng đến lặng lẽ, ít nói, làm mọi việc không tên.
Với chúng tôi Phượng là hình ảnh của cô gái Nam Bộ dịu dàng, chịu khó, nhẫn nhịn.
Một buổi chiều Phượng đến trụ sở NV. A!....bắp nấu. Đám nam nhi hăng hái "cạp" bắp.
Chợt có người hỏi:
- Sao Phượng im ru vậy, ăn bắp đi.
Lúc đó mọi người mới chú ý đến "hiện tượng lạ".Phượng mặt buồn hiu,nhỏ nhẹ:
- Em nói mấy anh nghe. Hồi nãy...
Trời đất, mới nói đến đó Phượng đã..khóc tấm tức. Thì ra ràng bắp sau port-bagages, giữa đường sút dây ràng, bắp"rụng", chật vật xoay trở Phượng mới "đưa" được bắp về !
- Mấy anh không ai hỏi 1 tiếng, lo ăn không hà !
- Phượng không nói, ai biết mà hỏi.
Chúng tôi chợt nhận ra mình vô tâm, xúm vào an ủi, chọc ghẹo. Và... lát sau Phượng hiền lành nở 1 nụ cười, mắt vẫn tròn xoe, ướt lệ.

Đột nhiên Phượng không đến trường nữa.
Công việc cuốn mọi người đi. Đôi lúc chợt nhớ, băn khoăn rồi thôi.
Mãi sau này tôi mới biết Phượng là giao liên chắp nối tổ chức Cách Mạng ở VK với anh 3 Triết,1đồng chí lãnh đạo bí mật của phong trào sv. Phượng ghi danh học để có cớ hợp pháp đến trường. Phượng không đến nữa vì chuyển đổi công tác. Trong 1 lần vượt sông trong chiến khu Phượng bị tàu địch phát hiện và đã hy sinh.

Hai mươi năm sau 30.4.75, chúng tôi mới biết Phượng có con gái. Cháu giống mẹ như đúc và cũng ốm yếu. Phượng gởi con cho người chị lúc cháu nhỏ xíu. Cháu bây giờ đã có gia đình. Cuộc sống khó khăn,cháu cũng phải bươn chải vất vả. Điều cháu day dứt là cha đã hy sinh trong tù. Bên nội không nhận cháu vì không biết gì chuyện tình của ba với mẹ. Mối tình éo le, ngang trái của Phượng ôm xuống tuyền đài có lẽ chưa tan. Cách đây mấy năm cháu đến thăm vợ chồng tôi. Cháu nói bên nội không nhận con cũng được thôi dì dượng ơi. Con mệt mỏi quá rồi...

Phượng ơi, biết kết thúc câu chuyện về Phượng thế nào đây khi nước mắt đã trào và lòng xót xa... 

Huỳnh Thiện Kim Tuyến-Nguyễn Tuấn Kiệt
Đọc tiếp ...