Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

CẢM XÚC THÁNG TƯ(2)

     Những ngày tháng 4 lại nhớ đến anh Lê Quang Lộc(6 Qúy).Anhlà chủ tịch ban chấp hành svvk niên khóa 67-68.Tin anh hy sinh tối 14.4.75 tại Hóc Môn làm bạn bè thảng thốt,không tin đó là sự thật.Tôi rời Thành Đòan tháng 2/75 nên hay tin muộn.Năm đầu sau giải phóng bạn bè hẹn nhau đi viếng mộ.Mọi người xúc động nhìn nấm mộ tâp thể,anh cùng 4 chiến sĩ,do bà con địa phương chôn vội.Vợ anh,chị Hùynh Quan Thư nói trong nước mắt:để anh nằm chung với đồng đội cho ấm áp.Giây phút mặc niệm bao nhiêu kỷ niệm về anh sống dậy.Nhớ anh những năm 65,66,67 cùng nhau ra sức xây dựng các nhóm học tập tại trường,tạo uy tín trong sv để đến niên khóa 67-68 lực lượng tiến bộ đã nắm đại diện 32/33 chứng chỉ.Nhớ anh khi ra tranh cử ban chấp hành svvk,với những câu đối đáp chân thật,nhạy bén,sắc sảo,thông minh,cương nghị đã đem đến thắng lợi sát sao trong vòng vây hảm của bạo lực.Nhớ anh,sáng mùng 1 tết Mậu Thân,phố xá vắng tanh,đứng trước trường Văn Khoa bên cạnh banderole lớn với dòng chữ "thân mời các bạn sv tham dự hội trại mừng chiến thắng Đống Đa tại Thảo Cầm Viên".Nhớ anh những ngày sau đó tất bật tổ chức cứu trợ đồng bào tại trung tâm Viên Ung Thư.Một hôm anh rủ tôi về nhà anh Lê Quang Hiền ăn cơm.Hình như anh muốn nói điều gì? Mấy ngày sau tôi hay tin anh thóat ly vào chiến khu tham gia Liên Minh Dân Tộc Dân Chủ và Hòa Bình.Có những cuộc chia tay mà người đi phải nén lòng với bao điều muốn nói.Tháng 7/73 tôi được trao trả tại Lộc Ninh.Sau tết 74 tôi về lại Thành Đòan.Có lẻ tổ chức còn cân nhắc công tác của tôi nên tôi phải "ngăn cách",ở riêng và che mặt khi ra ngòai.Một buổi trưa tôi xuống bếp ăn,tình cờ gặp anh đang khóac tấm đắp,lạnh run,ngồi sưởi cạnh bếp.Câu chuyện hàn huyên cứ bị gián đọan bởi những cơn sốt rét.Nhìn nụ cười anh lúc đó sao mà xót.Tôi không ngờ đó là lần cuối gặp anh.Anh Lộc ơi,chiều nay tôi đọc lại quyển "Tuổi trẻ dấn thân".Cuộc đời anh qua hồi ức của bạn bè gợi lại bao suy nghĩ.Tình yêu của anh với chị Thư biết bao cảm xúc.Ngày mai bạn bè làm đám giỗ anh và 5 Trí.Các anh đã sống xứng đáng,không phí hòai tuổi thanh xuân.Có 1 thời tuổi trẻ SG như vậy.

                                               13.4.2012

 

                                                

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

CẢM XÚC THÁNG TƯ (1)

        Tháng 4 về,nhiều cảm xúc.Đã 37 năm,thật đáng sợ thời gian.Cảm xúc đưa tôi về hồi ức 2 sinh viên,cán bộ Thành Đòan khu SG-Gia Định hy sinh vào những ngày cuối của cuộc chiến.

       Tôi không gắn bó công tác nhiều với Hồ Trọng Qúy(5 Trí).Qúy quê Q.Nam,thấp người,gương mặt "búng ra sữa".Quý là con trai duy nhất.Cha hy sinh khi Qúy còn trong bụng mẹ.Qúy học Đại học Khoa Học,thóat ly vào chiến khu năm 72. Năm 74 các đơn vị Thành Đòan lần lượt chuyển về đứng chân ở Long Khánh.Thỉnh thỏang trên đường đi công tác anh em gặp nhau,thăm hỏi vài câu rồi chia tay.Tháng 2/75 tôi chuyển về ban Tuyên Huấn Thành Ủy.Tháng 3/75 đơn vị trên đường chuyển cứ về Mỹ Tho thì được lệnh quay về hướng SG.Tôi được giao nhiệm vụ về thành phố bằng đường công khai.Chụp hình làm căn cước giả,được trang bị 2 bộ quần áo nội thành,tôi và 2 chiến sĩ bảo vệ hăm hở lên đường.Tháng 4/75 các đơn vị rầm rập hướng về SG.Đi theo trạm giao liên nên cũng bị "tắc đường".Tôi nằm gần 1 tuần ở trạm chờ giao liên đưa vô SG.Cuối cùng được báo tình hình rất căng,không thể đi hợp pháp được.Nhìn các đơn vị bạn lần lượt lên đường lòng tôi như lửa đốt.Cuối cùng sau khi cự cải quyết liệt trưởng trạm giao liên phải đồng ý cho chúng tôi "bám đuôi" các đòan bạn"tiến về SG".Một buổi chiều chúng tôi dừng chân,nấu cơm ăn sớm,chuẩn bị ngủ vì trời sụp tối là muỗi rất ghê,đốt đau điếng.Tôi đang vấn điếu thuốc rê,thấy Qúy dẫn đầu đòan quân đi qua.Tôi mừng quýnh vì lâu lắm mới gặp lại cánh Thành Đòan.Tôi gọi lớn

 -Nghỉ đi 5 Trí ơi,chìều tối muỗi lắm.

  Đòan quân vẫn đi,Qúy ngóai lại cười và nói

 -Gần về tới SG rồi anh hai ơi,nôn quá,ráng đi thêm chút nữa.

  Quý hy sinh ngày 29.4.75 vừa quá tuổi đôi mươi.37 năm qua,không cứ đến tháng 4,những lúc buồn phiền tôi lại nhớ các bạn đã hy sinh.Câu nói của Qúy luôn là nỗi ám ảnh.Chúng tôi,những sinh viên SG,vứt áo thư sinh,lãng mạn,ngạo nghể,xem cái chết nhẹ tựa lông hồng,dấn thân vào cuộc chiến khốc liệt,ai mà không mơ 1 ngày trở về thành phố thân yêu.Năm 1981 khi viết ca khúc "Cho thành phố hôm nay" những người bạn đã hy sinh trong đó có Qúy đã gợi cho tôi viết câu này:"Thành phố tràn yêu dấu,ra đi ngày nắng xuân,nhớ áo trắng xuống đường hòa súng xa chiến dịch". Cám ơn đời,cám ơn Quý,cám ơn  bạn bè,nhớ nhiều,nhiều lắm những ngày tháng 4.

 

Đọc tiếp ...