Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

CHỈ GẶP 1 LẦN TÔI VẪN NHỚ

Tết âm lịch cuối 66 qua 67 chứng chỉ Văn Minh VN tổ chức liên hoan văn nghệ mừng xuân.Văn khoa lúc bấy giờ vẫn ở chính tại số 8 Nguyễn Trung Trực,4 Cường Để(nay là ĐTH)  là cơ sở 2.Chứng chỉ VMVN là chứng chỉ nhiệm ý được sv các khoa khác theo học rất đông. Liên hoan được tổ chức tại phòng học lớn nhất nhưng nhỏ hơn rất nhiều so với giảng đường sau này.Ban nhạc gồm NTK guitare thùng,Nguyễn Thanh Tuyền mandoline.Hết!!!

Anh Trầm Khiêm chủ tịch nhóm Nhân Văn phát biểu khai mạc,chúc tết thầy và các bạn .GS Nghiêm Thẩm đáp từ.Sau đó bánh trái đem ra và văn nghệ bắt đầu. Người dự tự nguyện lên hát,không có chương trình sắp xếp trước. Các bài hát xuân vang lên,nhạc rộn ràng nhưng không khí Tết gượng gạo sao đâu. Sau khi Mỹ đổ quân vào miền nam,chiến sự ngày càng ác liệt.Đêm đêm người Sài Gòn nghe tiếng đại bác,tiếng bom B52 miệt Củ Chi vọng về. Năm 66 lại nổ ra phong trào THSV,nhân sĩ trí thức Huế chặn đèo Hải Vân,lập "chính quyền tự qủan".Sau đó phong trào bị đàn áp,tan tác.Tâm trạng người thành phố,hoang mang.Đặc biệt với sv ai cũng lo âu về tương lai đất nước.Chiến tranh gõ cửa từng nhà với việc đôn quân bắt lính,giấy báo tử và các vành khăn tang. Do vậy liên hoan có vui cũng là vui gượng.Trước đó anh Trầm Khiêm nói với tôi sẽ có nhóm văn nghệ...(tôi không nhớ tên)đến "giúph vui".Thời đó chưa dùng từ phục vụ?.Giữa buổi liên hoan không khí sôi động hẳn lên khi xuất hiện gần 20 em học sinh lớp đệ tam,đệ nhị,trang phục chỉnh tề,có nam,có nữ. Anh Trung Tín,trưởng nhóm,da ngăm đen,gương mặt già dặn hơn các em nhiều,chơi mandoline.Sau khi hội ý về chương trình,chúng tôi bắt đầu buổi diễn.Không có sân khấu,các em xếp hai hàng trên nền gạch.Có thêm 1 cây đàn tíếng nhạc xôm tụ hơn.Từ hình thức đơn ca chuyển qua tốp ca hùng hậu,không khí liên hoan thay đổi hẳn. Các em hát sử ca Bạch Đằng Giang,Hội nghị Diên Hồng,Lên Đàng...Có lẻ do các đôi mắt sáng,tự tin,giọng ca trong trẻo cương nghị;có thể trong tiềm thức người Việt lịch sử hào hùng của dân tộc luôn là điểm tựa tinh thần vững chắc nên không khí vui hẳn lên,các bạn sv còn vỗ tay hát theo.Kết thúc liên hoan,nhũng cái bắt tay,những lời chúc tụng hình như lạc quan hơn.

  Tôi va Trung Tín ngồi lại với nhau.Tôi cám ơn bạn đã đem đến sức sống cho buổi liên hoan. Tri âm không cần đến ngôn từ.Tôi và Tín đều ngầm hiểu mình đang làm gì.Cái xiết tay thật  chặt khi từ gỉã như nói rằng chim trời cá nước dù xa nhau nhưng vẫn chung bứoc 1 con đường. Mấy năm sau tôi hay tin Tín hy sinh vì bom B52. Tín không học VK nhưng Chỉ gặp 1 lần tôi vẫn nhớ và với tôi Tín luôn là người bạn VK đã đi xa.

                                                                             Nguyễn Tuấn Kiệt

Đọc tiếp ...

NHỚ PHƯỢNG

Ngọc là tên thật của cô ấy.
Khi xuất hiện ở VK năm 1966 cô lấy tên Phượng. Hình như đó là tên người yêu.
Phượng ốm yếu mong manh,nước da xấu, hậu quả của bịnh sốt rét sau những chuyến giao liên về căn cứ? Chỉ có đôi mắt đẹp. Phượng kẹp tóc,đi xe đạp, thường mặc áo dài trắng hơi củ khi đến VK.

Niên khóa 66-67 rất đặc biệt với trường VK. Đó là thời điểm lực lượng tranh đấu đã mạnh nhưng chưa đủ mạnh để nắm Ban chấp hành. Trụ sở nhóm Nhân Văn lúc đó là nơi lui tới thường xuyên của các nhóm nòng cốt. Phượng đến lặng lẽ, ít nói, làm mọi việc không tên.
Với chúng tôi Phượng là hình ảnh của cô gái Nam Bộ dịu dàng, chịu khó, nhẫn nhịn.
Một buổi chiều Phượng đến trụ sở NV. A!....bắp nấu. Đám nam nhi hăng hái "cạp" bắp.
Chợt có người hỏi:
- Sao Phượng im ru vậy, ăn bắp đi.
Lúc đó mọi người mới chú ý đến "hiện tượng lạ".Phượng mặt buồn hiu,nhỏ nhẹ:
- Em nói mấy anh nghe. Hồi nãy...
Trời đất, mới nói đến đó Phượng đã..khóc tấm tức. Thì ra ràng bắp sau port-bagages, giữa đường sút dây ràng, bắp"rụng", chật vật xoay trở Phượng mới "đưa" được bắp về !
- Mấy anh không ai hỏi 1 tiếng, lo ăn không hà !
- Phượng không nói, ai biết mà hỏi.
Chúng tôi chợt nhận ra mình vô tâm, xúm vào an ủi, chọc ghẹo. Và... lát sau Phượng hiền lành nở 1 nụ cười, mắt vẫn tròn xoe, ướt lệ.

Đột nhiên Phượng không đến trường nữa.
Công việc cuốn mọi người đi. Đôi lúc chợt nhớ, băn khoăn rồi thôi.
Mãi sau này tôi mới biết Phượng là giao liên chắp nối tổ chức Cách Mạng ở VK với anh 3 Triết,1đồng chí lãnh đạo bí mật của phong trào sv. Phượng ghi danh học để có cớ hợp pháp đến trường. Phượng không đến nữa vì chuyển đổi công tác. Trong 1 lần vượt sông trong chiến khu Phượng bị tàu địch phát hiện và đã hy sinh.

Hai mươi năm sau 30.4.75, chúng tôi mới biết Phượng có con gái. Cháu giống mẹ như đúc và cũng ốm yếu. Phượng gởi con cho người chị lúc cháu nhỏ xíu. Cháu bây giờ đã có gia đình. Cuộc sống khó khăn,cháu cũng phải bươn chải vất vả. Điều cháu day dứt là cha đã hy sinh trong tù. Bên nội không nhận cháu vì không biết gì chuyện tình của ba với mẹ. Mối tình éo le, ngang trái của Phượng ôm xuống tuyền đài có lẽ chưa tan. Cách đây mấy năm cháu đến thăm vợ chồng tôi. Cháu nói bên nội không nhận con cũng được thôi dì dượng ơi. Con mệt mỏi quá rồi...

Phượng ơi, biết kết thúc câu chuyện về Phượng thế nào đây khi nước mắt đã trào và lòng xót xa... 

Huỳnh Thiện Kim Tuyến-Nguyễn Tuấn Kiệt
Đọc tiếp ...